“GIA ĐỊNH LÀ NHỚ, SÀI GÒN LÀ THƯƠNG”
“Sài Gòn” và “Gia Định”, cả hai cái tên thân thương này đều đã không còn được sử dụng như tên chính thức của vùng đất mà ngày nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, mỗi tên gọi đều gợi lên những ký ức, hoài niệm khác nhau đối với mỗi người dân thành phố này.
“Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” được chia làm hai phần như một thước phim xuyên suốt với hai màu sắc khác nhau. Nếu phần “Gia Định là nhớ” như một thước phim trắng đen ghi lại khung cảnh sơ khai của vùng Gia Định lúc người Pháp vừa đặt chân đến; thì trái lại, phần “Sài Gòn là thương” lại như một thước phim màu miêu tả một Sài Gòn náo nhiệt, phồn hoa, đầy sức sống từ cuối thập niên 1950 đến ngày hôm nay.
Trong phần 1, “Sài Gòn là thương”, khởi đầu từ đường Nguyễn Huệ - một trong những con đường lâu đời của Sài Gòn, tác giả, nhà báo Cù Mai Công dẫn dắt bạn đọc phát hiện nhiều điều mới mẻ về nguồn gốc của chợ Bến Thành, về nếp sinh hoạt người Sài Gòn xưa. Và bạn cũng sẽ được khám phá về “chợ Cũ” có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Đặc sắc nhất là mảng ẩm thực của cả ba nền văn hóa Việt, Hoa, Pháp như cà phê dĩa, thịt quay bánh mì, cơm thố… qua lời miêu tả hấp dẫn của tác giả sẽ khiến cho bạn… phát thèm.
Trái ngược với không khí phố chợ náo nhiệt của đường Nguyễn Huệ là một không gian xanh mát, yên tĩnh của đường Phạm Ngọc Thạch, vốn là “khung trời đại học” nổi tiếng trong thi ca trước 1975. Với cách kể chuyện sinh động và tài tình của một nhà báo, tác giả tiếp tục dẫn bạn đi vào những câu chuyện cũ qua hồi ức của những cư dân lâu đời sống gần khu vực hồ Con Rùa, hoặc qua những kỷ niệm, tình yêu tuổi học trò của những cựu sinh viên trường Luật, Kiến trúc, Văn khoa…
Sống đủ lâu tại thành phố này, ắt hẳn ai cũng sẽ ít nhiều thắc mắc: Tại sao Sài Gòn lại ngập nước mỗi khi trời mưa lớn? Tại sao Sài Gòn gắn liền với những con hẻm nhỏ ngoằn nghèo chẳng theo một trật tự quy hoạch nào? Tại sao vẫn còn nhiều căn nhà sàn trên các kinh rạch giữa một thành phố từng được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”? Trong phần 2, “Gia Định là nhớ”, bạn sẽ hiểu được căn nguyên của nhiều vấn đề “thời sự” ngày nay của thành phố này.
Cụ thể, loạt bài về quy hoạch Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định sẽ cho bạn đọc hình dung được cái nhìn toàn cảnh theo dòng thời gian về hình dáng của Sài Gòn từ những ngày đầu cho đến nay: từ những trục đường cơ bản đầu tiên của công trình sư Trần Văn Học bao quanh thành Phiên An, rồi người Pháp loay hoay với nhiều đề án quy hoạch dẫn đến việc liên tục đào lấp các kinh rạch, cho đến tình trạng “tự quy hoạch” của người dân tại Sài Gòn sau năm 1965 khi cuộc chiến tranh leo thang…
Không chỉ về quy hoạch đường xá, bạn đọc còn được biết thêm về kiến trúc đặc trưng của Sài Gòn trước 1975 qua các phân đoạn viết về những công trình tiêu biểu của văn phòng kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa, hoặc hồ Con Rùa với thiết kế độc đáo của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ.
Và những ai đã từng yêu mến Cù Mai Công qua những bài viết về Ông Tạ, Tân Bình (khu vực tác giả sinh ra và lớn lên) sẽ tiếp tục được thỏa mãn với loạt ba bài viết về Nhà thờ Chí Hòa, Rạch Nhiêu Lộc và Rừng cao su cuối cùng của Sài Gòn - Gia Định với lượng thông tin quý hiếm và chi tiết đến không ngờ.
Không chỉ là nhân chứng sống một thời của Sài Gòn, tác giả còn là một nhà nghiên cứu “có hạng” khi có nhiều phát hiện bất ngờ, mới mẻ từ kho tư liệu cũ. Và trong suốt quyển sách “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương”, bạn đọc hẳn sẽ nhận ra rằng dù là bài viết về “sân nhà” Ông Tạ hay về khu Sài Gòn, Chợ Lớn, Thủ Đức, hình như ta thấy không có nơi nào trong thành phố này mà chưa từng có bước chân của Cù Mai Công.
Như nhà nghiên cứu Phạm Công Luận - người bạn thuở thiếu thời của tác giả - đã nhận xét, Cù Mai Công là “một người am hiểu thành phố, sống thường xuyên trên đường phố từ sáng sớm đến tối mịt, từ thời trai trẻ tới giờ…” hoặc như lời cảm nhận của nhà báo Phúc Tiến dành cho người bạn của mình: “Ôi, Công của tôi, một cây bút “sống” được, viết được nhiều kiếp người như thế, không nhiều lắm đâu…”.
Về tác giả
Cù Mai Công tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh với số điểm hạng 4 trên gần 200 sinh viên khóa học 1980 - 1984.
Từ 1985 đến nay, Cù Mai Công làm phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn cho các tòa báo: Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím, Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cười, Tuổi Trẻ Online. Ông phản ánh, ghi nhận những hoạt động phong trào của Đoàn, Đội, Hội và lối sống của giới trẻ TP.HCM.
Hai lĩnh vực trong nghề báo mà Cù Mai Công được độc giả biết đến nhiều nhất là khi ông cho ra mắt, nhân vật "Anh Cỏ Cú", phụ trách một chuyên mục tại báo Mực Tím từ số 1 đến số 89 (1988 - 1993) và thực hiện gần 200 bài viết, phóng sự về cuộc sống về đêm của giới trẻ TP.HCM trên báo Tuổi Trẻ từ 1994 - 2004. Từ những hoạt động tích cực trong nghề báo, năm 2005, Cù Mai Công đã được bình chọn là một trong 30 "Gương mặt trẻ của thành phố 30 năm" tại Đại hội Thanh niên tiên tiến Thành phố Hồ Chí Minh.
Các tác phẩm đã xuất bản: “Sài Gòn by night” tập 1, 2, 3, 4, 5, 6; “Tuổi mực tím Sài Gòn”; “Sài Gòn một thuở: Dân Ông Tạ đó”.
👉 Mua sách ngay cùng Vietbooks.com.au 🇦🇺
🚚 Australia Post $7.99 flat-rate shipping with tracking.
✅ Free Shipping for all orders from $150.
🇦🇺 Pick up Available at Green Valley, NSW, 2168 (by appointments only)
!